The Last of Us Part 2 – “Họ trông giống con người, nhưng phần người của họ đã mất đi” – Ellie. Đó cũng chính là những điều thường thấy, thường được đề cập trong các chủ đề hậu tận thế! Khi mà luật lệ không còn, dịch bệnh đe dọa sự sống còn, nguy hiểm rình rập trong mỗi ngóc ngách, khi đó “nhân tính” sẽ là thứ xa xỉ còn sót lại trong mỗi chúng ta. Truyện, phim và game có vô số tác phẩm lột tả thế giới hoang tàn kia, tác phẩm nào khơi gợi được cảm xúc của khán giả qua cái cốt lõi “nhân tính” trên thì sẽ được người ta nhắc đến qua bao năm tháng.
The Last of Us (2013) của Naughty Dog là một hiện tượng như thế, được giới mê game và phê bình game vinh danh giữa vô số trò chơi có cùng chủ đề, khi chạm được đến những cung bậc cảm xúc của người chơi… Và rồi 5 năm sau (theo thời gian trong game), những con người trong thế giới đen tối, nhẫn tâm ấy như Joel, như Ellie, v.v. liệu có còn giữ được “nhân tính” trong hậu bản The Last of Us Part 2? Hành động ác liệt theo phong cách điện ảnh, vốn dĩ là “dấu ấn” đặc trưng của Naughty Dog ngay từ khi họ bắt tay làm dòng game Uncharted.
Qua năm tháng, nhiều thay đổi, thêm thắt làm cho dấu ấn này thêm “sướng tay, đã mắt”! Tuy nhiên, đạt tới mức độ căng thẳng và hồi hộp như The Last of Us Part 2, có lẽ là lần đầu! Vốn dĩ là một game hành động và được thêm cơ chế “lén lút” (stealth), có nghĩa người chơi lựa chọn hoặc “chơi tới luôn mấy đứa” hoặc làm kiểu “sát thủ rình mò” nhưng ở phần hai này, vế sau lại được sử dụng nhiều hơn dù hãng không nói huỵch toẹt ra. Bạn muốn chơi “càn”, đánh đấm cho đã tay. Hãy nghĩ lại, khi các nhân vật máy (dù là người hay kẻ đột biến) đều đi theo bầy đàn số lượng đông và chúng rất ma mãnh: thọt sườn, đánh úp, thả chó, ào vào đồng loạt, gọi chi viện í ới hay thậm chí… núp luôn không ló ra!
Nếu chuyển qua “lén lút”? Hãy chuẩn bị tinh thần với các hành động phải “nhẹ hơn âm thanh”, với sự nhạy cảm ánh sáng, với việc di chuyển chậm rãi đến… hồi hộp rớt tim mỗi khi muốn hạ thủ hay lộ trình đi vòng vèo không đoán được của các địch thủ… Nhanh hỗ trợ chậm, mạnh che cho yếu là những thứ mà ở phần một bạn chưa được “nếm mùi”! Căng thẳng, hồi hộp vậy chưa “đủ đô” đâu! Game còn “hãm hại” bạn nạp (load) game nhiều lần bởi độ khó cao từ việc kẻ thù gây sát thương vừa chớp nhoáng, vừa “một phát đi liền” hay từ việc không chịu “học” kỹ năng bắn (hồng tâm sẽ bị lệch khá nhiều mỗi khi nhắm bắn – NV).
Và khi vượt qua được sự căng thẳng, game sẽ “đền đáp” cho người chơi bằng những màn cận chiến ác liệt, với các pha dứt điểm táo bạo, gãy gọn gần như không trùng lặp, với các góc đặt camera để lột tả những hành động không chê vào đâu được! Bên cạnh sự căng thẳng, hồi hộp do phần hành động mang lại, bạn sẽ được thưởng thức những sự hoàn thiện của The Last of Us Part 2 ở các mặt khác của game. Đầu tiên là phần hình ảnh, tổng thể phần hai chọn cho mình gam màu lạnh xuyên suốt. Không như phần một có thể dễ dàng bắt gặp những gam màu nóng thì xanh lá, xanh dương, xanh xám là các khối màu chủ lực mà bạn sẽ thấy thường xuyên khi chơi.
Từ bầu trời u ám xám xịt, từ cảnh tuyết trắng lạnh lẽo, từ những khu rừng rậm trong lòng các thành phố từng sôi động cho tới góc phố toang hoang, trong những căn phòng tranh tối, tranh sáng và ngay cả phục trang của các nhân vật cũng vậy… Với bối cảnh hậu tận thế và những câu chuyện lâm ly bi đát, những nét màu lạnh như vậy càng tăng thêm độ chân thật cho không khí của game! Và nét chấm phá, theo cá nhân người viết, đáng giá nhất cho đồ họa game chính là cách sử dụng những nguồn sáng rất tốt! Những tia sáng xuyên qua khu rừng, len lỏi qua những đám mây, cố chen vào các ô cửa sổ bám bụi, nứt nẻ của một căn phòng đen tối, ánh đèn nhá nhem trong màn đêm dày đặc…
Trang chủ: https://go88.blog