Game mo phong nhap vai The Revenant Prince

The Revenant Prince – Sau rất nhiều năm chơi các thể loại như Final Fantasy, Dragon Quest, Trails, người viết đã tự hỏi: cái gì tạo nên một tựa game JRPG (game nhập vai kiểu Nhật) thu hút? Một vị anh hùng “được chọn”, ban đầu là một lính quèn sau đó đánh một thực thể “siêu to khổng lồ” nào đó cứu Trái đất? Những kỹ năng “siêu khủng”, hay những kiểu tóc dựng đứng khác người? Hay một hệ thống chiến đấu đặc trưng không thể nhầm lẫn? Có rất nhiều hãng game độc lập đã cố gắng mô phỏng thành công của những tượng đài bằng cách máy móc sử dụng những công thức có sẵn, nhưng cũng không thiếu những tựa game vừa lấy được cảm hứng từ những tựa game cổ điển, vừa sáng tạo nên những đặc trưng của mình.

The Revenant Prince có một cốt truyện lấy cảm hứng sâu sắc từ những tựa game JRPG kinh điển như Final Fantasy và Chrono Trigger. Bạn sẽ nhập vai anh chàng Troy, một tay lính của Đế quốc Lumerian, với mục tiêu cao cả, thường thấy và kinh điển: mang lại hòa bình cho thế giới. Tuy nhiên, Troy sớm phát hiện ra là để thực hiện mục đích “có vẻ cao cả” này được thực thi bằng vũ lực, khi Đế quốc sẵn sàng chĩa súng vào dân lành nếu họ chống đối lệnh, và chính Troy là người “thực thi” mệnh lệnh xử tử một người nổi loạn. Sau đó, Troy đã đứng ra chất vấn cấp trên Olga về hành động này, và kết quả là anh suýt chết, nếu như người bạn thơ ấu Gabriella không hi sinh bản thân mình để giúp Troy bỏ chạy.

broken image

Tuy nhiên không lâu sau Troy, vì kiệt sức, đổ gục xuống nền tuyết trắng xung quanh mình, và tỉnh dậy ở một nơi lạ hoắc với một cô gái người cáo (hay người thỏ gì đó), với một trí nhớ không ổn định, và từ đây, cuộc phiêu lưu của Troy để chiến đấu với cái ác bắt đầu. Trong tựa game này, Troy sẽ phải đối mặt với nhiều lựa chọn, mỗi lựa chọn sẽ góp phần thay đổi nội tâm của anh, thay đổi cách nhìn của các NPC (nhân vật không phải người chơi) xung quanh anh, và có thể phản ánh chính xác thiện/ác trong con người của Troy. Do đó, nhờ các lựa chọn tạo ra cốt truyện phân nhánh, mỗi lần chơi có thể tạo ra một trải nghiệm khác nhau.

Mặc dù cơ chế này không mới (Red Dead Redemption 2 hay Undertale còn có hệ thống tương tự mà “nặng ký” hơn), nhưng cũng đã góp phần tăng cường tính “nhập vai” cho tựa game này, và đôi khi khiến bạn “lấn cấn” không biết mình đã lựa chọn chính xác hay chưa. Phần còn lại của cốt truyện, để tránh tiết lộ quá nhiều trước nội dung, có thể nói là cuốn hút (và bạn sẽ không có chỉ dẫn cụ thể trên bản đồ đâu, điều này khiến một người yêu thích JRPG cổ điển như người viết cảm thấy… hấp dẫn). Nhân tiện, The Revenant Prince có một cốt truyện khá đen tối, tỉ như khi bạn bắt buộc phải “kết liễu” người quen vì không còn cách nào cứu vãn, hoặc một người đưa nhiệm vụ cho bạn sẽ… tự vẫn trên một mỏm đá sau khi thực hiện “di nguyện” cuối cùng, do đó bạn sẽ cần chuẩn bị một chút tâm lý nếu đã quen chơi những tựa game JRPG “trong sáng”.

Đây có thể vừa coi là điểm mạnh vừa là điểm yếu của The Revenant Prince. Cơ chế chiến đấu của tựa game này là “Active Time Battle” (tên giống cơ chế của Final Fantasy IV tới IX), tuy nhiên thực tế thì nó lại giống với… Final Fantasy XIII hơn. Bạn sẽ có thể trang bị 3 vũ khí, gồm kiếm, súng và khiên, mỗi vũ khí sẽ có một thanh gọi là BP riêng, liên tục tự hồi theo thời gian. Kiếm và súng sẽ có ba kiểu tấn công: tấn công mạnh, tấn công trung bình và tấn công nhẹ, mỗi kiểu tấn công sẽ “ngốn” một lượng thanh BP khác nhau, đồng thời thời gian hồi chiêu của mỗi kiểu tấn công cũng khác nhau, do đó người chơi cần phải cân đối giữa việc sử dụng các kiểu tấn công nhằm tối ưu hóa thời gian hồi chiêu và lượng BP sử dụng.

Tuy nhiên, nhờ việc thanh BP là độc lập, do đó người chơi có thể “xoay tua” các loại vũ khí liên tục nhằm thực hiện các chuỗi “combo” liên hoàn vào kẻ địch, đồng thời về tư thế thủ ngay sau khi tấn công, giúp cho việc chiến đấu trở nên nhanh và hấp dẫn. Một điểm đặc biệt trong chiến đấu là khi bạn đánh hết máu địch thì bạn có hai lựa chọn: đợi một khoảng thời gian để địch chạy đi, hoặc là kết liễu địch. Việc này có ảnh hưởng tới phe thiện/ác như đã mô tả ở trên, tuy nhiên thì không kết liễu địch bạn vẫn sẽ nhận được đầy đủ kinh nghiệm và vật phẩm, do đó đây hoàn toàn do người chơi quyết định. Trong chiến đấu, ngoài các lệnh đánh nhau cơ bản thông thường bạn còn có thể mở ra một trình đơn đặc biệt, khi bạn có thể “nói chuyện” với mục tiêu hoặc là thả cho mục tiêu đi, tăng tính tương tác giữa nhân vật chính và thế giới, chứ không chỉ đơn thuần là lao vào đánh nhau nữa.

Trang chủ: https://go88.blog