Tales of Arise – Dòng Tales of cũng là một dòng game JRPG lâu đời nhất nhì, sánh ngang với những tượng đài JRPG như Final Fantasy hay Dragon Quest, với nhiều tựa game vô cùng chất lượng như Tales of Symphonia, Tales of Berseria, Tales of Vesperia… Tuy nhiên, có vẻ như ngoại trừ những người hâm mộ JRPG ra, thì dòng Tales of chưa bao giờ trở nên “chính thống” (mainstream), như cái cách mà Final Fantasy VII đã làm, trên thị trường quốc tế. Với quyết tâm lật ngược thế cờ, Bandai Namco đã “mạnh tay” gạt bỏ khung phần mềm cũ và thay thế bằng khung Unreal Engine 4, cải tiến đồ hoạ, lối chơi, với hi vọng đưa Tales of trở thành một ông lớn JRPG trên thị trường toàn cầu.
Trước khi bắt đầu đi chi tiết vào đánh giá Tales of Arise, người viết xin kể qua lịch sử của người viết với dòng Tales of, bởi vì đánh giá và kỳ vọng với Tales of Arise của một “fan cứng” rõ ràng sẽ khác so với một người chưa chơi JRPG bao giờ (hoặc chí ít là chưa chơi Tales of). Ngoài dòng Final Fantasy, dòng Dragon Quest (bản gần nhất là Dragon Quest XI: Echoes of an Elusive Age), dòng Trails (phiên bản gần nhất là The Legend of Heroes: Trails of Cold Steel IV), thì Tales of là một trong những dòng game hiếm hoi mà người viết đã từng hoàn thành tất cả mọi game (không tính mấy game ngoại truyện nhé), tự tay cảm nhận từ đỉnh cao nghệ thuật kể chuyện JRPG tới những lối chơi biến hóa tốc độ cao khôn lường.
Tales of nắm giữ một vị trí khá đặc biệt trong lòng người viết, một vị trí không phải là “sắt đá” như Final Fantasy, một vị trí không khiến cho người viết theo sát từng nhất cử nhất động như của dòng game như Dragon Quest. Nhưng Tales of vẫn ở đó, sâu kín một góc, với những cuộc phiêu lưu của anh chàng Yuri và công chúa Estelle, hay chuyện tình của cậu ấm Luke và cô nàng pháp sư xinh đẹp Tear, hay hành trình hồi phục hành tinh của Lloyd và Colette, thi thoảng vẫn gợi lên cảm xúc bồi hồi khi hoàn thành những tựa game đó, và khiến người viết muốn “vập” ngay vào một câu chuyện JRPG dài dằng dặc.
Ngọn lửa tuy nhỏ mà kiên trì này đủ để nhóm lên trong lòng người viết một sự phấn khởi khá đặc thù khi Tales of Arise được Bandai Namco công bố vào E3 2019. Tại sao lại nói đặc thù? Vì thực sự, bốn phiên bản gần nhất của Tales of (Tales of Xillia, Tales of Xillia 2, Tales of Zestiria, Tales of Berseria), mặc dù không bản nào tới mức quá tệ, nhưng cũng không thể gọi là để lại ấn tượng khó phai trong lòng của người viết như những tựa game JRPG kinh điển trước. Đó là chưa kể nền đồ hoạ của dòng game xuyên suốt bốn tựa game đã bị rơi vào một loại “lối mòn” khá cũ kỹ (có lẽ phần nào do giới hạn phần cứng PlayStation 3) khiến việc trải nghiệm 4 thế giới, từ một sự hào hứng trong Tales of Xillia dần dần đi xuống rõ rệt qua từng bản.
Do đó, sự phấn khích với Tales of Arise mơ hồ xen kẽ một sự dè chừng nhất định. Nếu tựa game mới này lại đi theo lối mòn cũ? Với một cốt truyện tầm trung, chơi xong là quên? Hay một nền đồ hoạ không khá khẩm hơn được? Nếu tựa game là một thất bại, liệu người viết có còn dám đặt hết niềm tin vào phiên bản tiếp theo của Tales of? Tựa game này cần gì? Một cốt truyện tuyệt đỉnh tới mức người chơi không thể nào rời mắt khỏi màn hình, một hệ thống chiến đấu lôi cuốn và hấp dẫn tới mức người chơi không thèm dùng mấy lọ Holy Bottle để qua màn chơi, một nền đồ hoạ khiến người chơi muốn dừng lại chiêm ngưỡng thế giới xung quanh thay vì cắm đầu chạy thục mạng đến địa điểm tiếp theo…
Thế giới của Tales of Arise gồm hai hành tinh Rena và Dahna, với hai chủng tộc khác nhau goi là Renan và Dahnan. Người Dahnan thì có vẻ như vẫn đang kẹt ở thời kỳ Trung cổ, tuy nhiên người Renan đã đạt được nhiều thành tựu khoa học kỹ thuật, phát triển máy bay tàu chiến cực kỳ tối tân và hiện đại. Như một kết quả tất yếu, người Renan xây hẳn một vệ tinh làm căn cứ quân sự tên là Lenegis, rồi ồ ạt sang xâm chiến hành tinh Dahna.
Trang chủ: https://go88.blog