Empire of Sin cung cấp cho người chơi rất nhiều nhân vật “ông trùm” khác nhau với thiết kế ngoại hình, tính cách, lồng tiếng và cả những điểm cộng kinh doanh khác nhau dựa trên hệ thống tư liệu có thật trong lịch sử Mặc dù phải ra nhiều quyết định, theo dõi nhiều bảng biểu thông số khác nhau, thế nhưng phần chơi này lại không quá khó để người chơi phải bỏ nhiều thời gian, công sức để phân tích và đánh giá như các tựa game thuần tuý về mặt quản lý. Giao diện được thiết kế hợp lý và trực quan khiến cho việc điều hành “đế chế tội phạm” trở nên vô cùng dễ dàng, không khác nhiều với tựa game mô phỏng quản lý nhẹ nhàng mang tính chất giải trí đơn thuần như Lemonade Tycoon trên các điện thoại thông minh.
Điểm nhấn sáng giá nhất trong lối chơi quản lý nằm ở chỗ khả năng duy trì quan hệ giữa ông chủ và các “đàn em” của mình.Bạn phải thoả mãn được những nhu cầu của thuộc hạ, cân nhắc độ trung thành để duy trì sức chiến đấu của nhóm “đàn em”. Nếu bạn làm cho những đàn em đánh thuê bất mãn, nhẹ thì các nhân vật sẽ rời bỏ bạn, còn nặng hơn sẽ “trở mặt thành thù” khi về phe của đối thủ ngay giữa những trận chiến căng thẳng. Nếu như những “biện pháp hoà bình” không giải quyết được vấn đề thì vũ lực sẽ lại “lên ngôi”, và đó cũng là lúc chế độ chơi nhập vai cùng hệ thống chiến đấu cho thấy vai trò của mình. Ở chế độ này của Empire of Sin, bạn sẽ trải nghiệm tựa game với phong cách chiến đấu đội nhóm theo lượt hệt như dòng game X-COM danh tiếng.
Bạn sẽ tham gia vào các trận chiến theo lượt với mức điểm AP (Action Point) nhất định cho mỗi nhân vật, chiến đấu bằng các vũ khí và kỹ năng khác nhau trong các khu vực chật hẹp với khả năng chắn núp nhất định với nhiều phương thức phối hợp kỹ năng giữa các nhân vật theo lượt tạo ra những “đòn combo” sát thương nhiều đối thủ cùng lúc với hiệu suất cao.Qua từng trận chiến, người chơi có thể “nhặt nhạnh” (loot) đồ đạc, tăng thêm điểm kinh nghiệm, lên cấp để mở ra các kỹ năng mới, làm phong phú thêm cho bộ chiến thuật của người chơi. Là một người cực kỳ yêu thích các thể loại phim thế giới ngầm, người chơi lựa ngay cho mình nhân vật Al Capone “khét tiếng” với khẩu Chicago Typewriter (Thompson) huyền thoại, với khả năng xả đạn dữ dội về phía kẻ thù để bắn ghìm để đồng đội “tạt cánh”.
Empire of Sin cũng sẽ có các tuyến nhiệm vụ chính và phụ để người chơi hoàn thành tuỳ vào ngữ cảnh và các lựa chọn của người chơi trong các cuộc đối thoại, đàm phán (Sit in) với đối thủ. Những nhiệm vụ này có kết cấu vô cùng chặt chẽ, dẫn dắt người chơi phát triển và mở rộng “đế chế” của mình, tạo thành một câu chuyện xuyên suốt xâu chuỗi các hoạt động quản lý, các cuộc chinh phục theo đúng phong cách của một tựa game nhập vai truyền thống. Điều này giúp cho kết cấu trò chơi trở nên liền mạch, không bị rời rạc để phải phân ra thành các màn chơi khác nhau như nhiều tựa game chiến thuật thông thường.
Thỉnh thoảng, tựa game cũng sẽ tạo ra một số sự kiện nhất định tạo điểm nhấn nhá cho trò chơi như các cuộc xâm lấn và quấy phá của các băng đảng đối địch, tránh các cuộc bố ráp của cảnh sát mà bạn có thể moi thông tin từ tay các “cớm bẩn” bằng biện pháp hối lộ, hay thậm chí vướng vào các cuộc kiện tụng theo một phương thức rất Mỹ… Những yếu tố này làm cho người chơi bận rộn, “đổi khẩu vị” và nghỉ xả hơi khéo léo giữa các trận chiến, đồng thời cũng làm cho thế giới game trở nên thật hơn, ấn tượng hơn với người chơi.
Tạo ra được ấn tượng vô cùng mạnh mẽ và tốt đẹp cho người chơi ngay từ những phút đầu tiên, thế nhưng Empire of Sin lại đánh mất chính mình khi khi game thủ bắt đầu quen thuộc với “guồng quay” của tựa game. Bạn sẽ nhận ra câu chuyện trở nên lặp đi lặp lại với lối chơi chẳng bao nhiêu biến hoá, dần dần quá trình trải nghiệm game trở nên nhàm chán. Mặc dù là một tựa game đặt nặng yếu tố nhập vai truyền thống, thế nhưng các tuyến nhân vật phụ của dòng game được phác hoạ vô cùng nhạt nhoà, không có những thể hiện cá tính riêng với những cuộc hội thoại mang màu sắc giống nhau chứ không sắc sảo, buộc người chơi thận trọng lựa chọn trong phát triển cốt truyện như những tựa game RPG thuần tuý.
Trang chủ: https://go88.blog