Về cơ bản, cốt truyện trong Hades xoay quanh hành trình đào thoát khỏi địa ngục của Zagreus, cậu “tục tưng” của Chúa tể Địa ngục Hades. Chắc do dưới đó ít sách vở và không có mạng internet, nên mãi đến sau vài nghìn năm bị “lừa dối” bởi cha mình và Nyx, Zagreus mới biết rằng mẹ ruột của mình thật ra là nữ thần Persephone – và dĩ nhiên là cậu có vô vàn câu hỏi muốn tìm lời giải đáp, nên hành trình “bỏ nhà đi chơi” của Zagreus bắt đầu từ đó. Cốt lõi về lối chơi của Hades thuộc về dạng game Roguelike, trong đó mỗi một lần đào thoát của Zagreus sẽ dẫn người chơi qua nhiều “cõi” dưới địa ngục, với kết cấu là hàng chục căn phòng kết nối với nhau một cách ngẫu nhiên, và cuối mỗi “cõi” là một con trùm.
Với đặc thù của dạng game Roguelike, người chơi có thể đảm bảo là hầu như không bao giờ hành trình đào thoát của Zagreus bị lặp lại, do bố cục phòng và kẻ địch bên trong sẽ được ngẫu nhiên từ một “bể dữ liệu” cực lớn. Để vượt qua một phòng, thường thì người chơi phải tiêu diệt hết kẻ địch bên trong, trước khi chọn một trong nhiều cửa để đi tiếp. Bàn về “cửa”, thì đấy là phần thưởng của mỗi phòng sau khi “dọn dẹp” sạch đám kẻ địch. Chúng có thể là tiền để mua các nâng cấp tạm, là tinh thể hắc ám để cường hóa Zagreus vĩnh viễn, là châu báu để “độ” lại hoàng cung, hoặc hấp dẫn hơn – là các “lời chúc phúc” từ các vị thần Olympian.
Nhờ sự “se chỉ luồn kim” của Nyx, bà mẹ đỡ đầu của mình, hành trình đào thoát của Zagreus đến tai các vị thần trên đỉnh Olympus, và họ không ngần ngại gì (vài người còn hồ hởi đến mức… thái quá!) mà tìm mọi cách để giúp đỡ thằng cháu/em họ xa mấy tầm đại bác bắn này! Hệ thống điều khiển của Hades gói gọn trong một đòn đánh thường (tốc độ nhanh, sát thương trung bình), một đòn đánh mạnh (chậm hoặc có phạm vi đặc biệt), “chưởng phép” và lướt. Tất cả các phước lành của thần Olympian đều xoay quanh việc cường hóa, thậm chí thay đổi bản chất của các thế đánh này nhằm mang lại cho người chơi vô vàn trải nghiệm thú vị.
Mỗi vị thần Olympus sẽ có những cách cường hoá khác nhau, ví dụ Poseidon có hiệu ứng đẩy lùi, Dionysus rút độc hay Athena là phản đòn… Còn tùy vào việc người chơi chọn cường hóa cho thao tác nào, mà cách vận dụng chúng lại còn biến hoá thêm nhiều. Về sau, khi “mở khóa” được những phù phép “kép”, thì tính biến thiên của game lại càng được đẩy xa hơn nhiều nữa. Tuy thiếu đi động tác nhảy, nhưng về phần hành động chặt chém của mình thì Hades không có gì đáng cho người chơi phàn nàn cả. Zagreus có thể chọn một trong sáu món vũ khí: kiếm, giáo, khiên, cung, nắm đấm hoặc súng cho mỗi lần đào thoát của mình.
Mỗi loại vũ khí có lối đánh hoàn toàn khác nhau, kết hợp với các cường hóa Olympian thì người chơi hầu như có thể trải nghiệm vô số các kiểu xây dựng nhân vật mà chơi “mệt nghỉ” cũng chưa thấy trùng lặp. Do bản chất là một tựa game dạng Roguelike, vì vậy có thể xem như Hades không bao giờ có kết thúc, dù người chơi có đột phá khỏi địa ngục để lên được mặt đất. Với độ khó tương đối cao dù chỉ từ những phút đầu tiên, việc người chơi “tử ẹo” để lại hồi sinh trong hoàng cung của địa ngục là quá đỗi bình thường – và dĩ nhiên, mọi nâng cấp trong lần chơi trước đó sẽ bị “tẩy” sạch, phải bắt đầu lại hết.
Và khi phát triển một tựa game như vậy, Supergiant hẳn là phải nghĩ đủ mọi cách để cho người chơi không cảm thấy chán, khi mà cứ phải “tắt thở” liền tù tì như vậy. Và trước hết, phải nói rõ rằng thật ra trong Hades không phải cứ chết là mất hết – vì thật ra người chơi được giữ lại một số ít vật phẩm từ chuyến đi trước, mà cụ thể là hắc thạch và các “chiến lợi phẩm” sau khi hạ gục trùm ở mỗi “cõi”. Tác dụng chính là hắc thạch dùng để cường hóa Zagreus trên nhiều phương diện thông qua tấm gương to uỳnh đặt ngay giữa phòng ngủ, mà tác dụng của nó hẳn là không phải để Zagreus tô soi dặm phấn, uốn éo cả ngày rồi. Các nâng cấp này không nhiều, nhưng thật sự thiết thực, chẳng hạn như tăng lượng máu tối đa, cho phép Zagreus hồi sinh vài lần trong một chuyến đào thoát… hoặc gia tăng tỉ lệ nhận được các bùa phép “xịn”.
Trang chủ: https://go88.blog