Đừng để những hình ảnh đầu tiên đánh lừa rằng: Cyberpunk 2077 sẽ là một tựa game hành động nặng về bắn phá. Có thể nói là một sản phẩm dành cho những người thích cái cảm giác thả mình vào thế giới và chiêm nghiệm mọi thứ theo những cách riêng, từ tốn, không vội vã. Cách xây dựng mạch truyện của game cũng tương tự như dòng The Witcher cùng nhà hay rất nhiều game thuần nhập vai khác, đó là rất chú trọng vào hội thoại và sẽ đôi lúc làm người chơi cảm thấy lê thê, dài dòng một cách không cần thiết. Cũng phải thôi vì hết 60% thời lượng trung bình của một nhiệm vụ chỉ toàn nói – nói và nói. Nhưng với những ai không cảm thấy bị “ngán” với công thức này, thì lúc đó mới “cảm” được hết những gì mà Cyberpunk 2077 mang lại.
Đó là một kịch bản cực kỳ quy mô được dàn trải xuyên suốt với hằng sa số những tình huống ập tới dồn dập được sắp xếp đan xen nhau. Trước khi bước vào những trường đoạn hành động “dài hơi” đều là những quãng nghỉ “hơi dài” một chút để người chơi định hình và tìm hiểu xem chuyện gì đang thật sự xảy ra, lượng thông tin như ma trận có thể khiến người chơi bối rối và mất phương hướng nếu không chú ý theo dõi vào những đoạn thoại khô khan. Cyberpunk 2077 mang lại cái cảm giác gần giống với khi ngồi thưởng thức hai phần phim của Blade Runner – hai tác phẩm cũng lấy bối cảnh Cyperpunk và là cảm hứng để CD Projekt RED phát triển nên trò chơi.
Những ai đủ kiên nhẫn để theo dõi và chú ý từng thông điệp những gì mà bộ phim này mang lại, ẩn sau hình hài của những đoạn thoại dài dòng, thì mới thấu cảm hết cái hay mà phim mang đến. Và hãy cứ tưởng tượng nội dung của Blade Runner được nhân lên nhiều lần về độ dài thì chúng ta sẽ có Cyberpunk 2077. Lê thê với một số người nhưng lại hấp dẫn với một số người khác! Đây chắc chắn không phải là một “món ăn nhanh”, đây là món dành cho những ai thưởng thức theo cách từ tốn để cảm nhận hết mọi gia vị.
Mỗi nhân vật trong đều được đầu tư công phu để họ thật sự “sống” trong vòng tuần hoàn của Cyberpunk 2077. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra tính cách của từng người thông qua quá khứ, cách ăn mặc và tất nhiên là hành động của họ, tất cả những điều đó diễn ra một cách rất tự nhiên, không mang lại cảm giác gượng ép lố bịch mà tựa game nào đó gần đây đã thể hiện. Với Cyberpunk 2077, nếu như những nhiệm vụ chính có tác dụng mở rộng câu chuyện của V đến thế giới xung quanh, thì các nhiệm vụ phụ có được sau đó lại là cách để người chơi thật sự hiểu về từng nhân vật đồng hành. Thậm chí để cả trí tuệ nhân tạo Delamain còn có một chuỗi nhiệm vụ riêng, để thấy được rằng đôi khi máy móc cũng có những cảm xúc yêu, giận, sợ hãi, căm ghét khác nhau.
Cảm giác lê thê sẽ vấn vương đôi chút trong những trường đoạn này, bù lại sợi dây liên kết giữa các tuyến nhân vật càng trở nên rõ rệt, để người chơi có thể thấu hiểu và cảm nhận được rằng đây là những “con người” thật sự đang sinh sống dưới bầu trời của thành phố Night City. Ở E3 năm 2019, sự xuất hiện Keanu “John” Reeves đã tạo ra một sự bùng nổ về mặt cảm xúc dành cho khán giả, CD Projekt RED đã mang đến một bất ngờ cực lớn bằng việc đưa chàng diễn viên thích đóng các vai tên John để hóa thân thành một nhân vật tên… John nữa, đó là Johnny Silverhand – tay ca sĩ nhạc rock mang mối thâm thù đại hận tập đoàn Arasaka hùng mạnh.
Dáng vẻ ngầu lòi và phong thái bất cần của Johnny là điểm sáng lớn nhất trong toàn bộ dàn nhân vật vốn đã rất ấn tượng của Cyberpunk 2077. Xuất hiện trong hình hài chỉ còn là miền ký ức trong đầu của V và cuộc “tác hợp” của hai nhân vật này gần giống với câu chuyện trong những bộ phim Buddy Cop điển hình theo kiểu “cặp đôi hoàn cảnh”. Nhưng Johnny Silverhand phức tạp hơn thế rất nhiều, quá khứ đầy bạo lực và chuyển biến của nhân vật này là màu sắc tách biệt khỏi nhưng nhân vật khác.
Trang chủ: https://go88.blog